Site icon F&B Business Việt Nam

Hành trình gian nan để kinh doanh ẩm thực trở lại ở TP.HCM

Tối muộn ngày 8/9/2021, UBND TP.HCM thông báo các cửa hàng ăn uống có đăng kí kinh doanh (hộ kinh doanh) được “thí điểm” hoạt động bán mang về. Nhưng sự háo hức của các chủ quán không kéo dài, khi hàng loạt quy định phòng dịch được đưa ra đê một cửa hàng ăn có thể hoạt động trở lại: thực hiện “3 tại chỗ”, nhân viên đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin, chỉ giao hàng qua “shipper công nghệ”, xét nghiệm covid-19 trong vòng 2 ngày/lần, phải thông báo với quận/huyện để xin giấy đi đường cho nhân viên …

Contents

Chi phí tăng cao khi hoạt động trở lại.

Nhiều chủ quán ăn dù muốn mở cửa để hoạt động kinh doanh trở lại, cũng đang phải cân nhắc với bài toán chi phí “đội lên” quá cao. Các chi phí dành cho nhân viên để hoạt động trở lại trong giai đoạn này tăng lên gấp 3-4 lần khi phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu phòng dịch bệnh.

Bên cạnh đó nguồn nguyên liệu ẩm thực cũng đang tăng giá trên toàn thị trường 30-40%, và không dễ dàng để có được đầy đủ nguyên liệu. Chi phí vận chuyển thức ăn đã chế biến đến khách hàng cũng tăng rất cao.

Chi phí cho bao bì đóng gói, và vận chuyển bao bì đóng gói sản phẩm cũng mang đến một nỗi lo lớn cho các chủ quán. Các quán ăn chỉ được giao hàng qua “shipper công nghệ” thì còn phải “gánh chi phí chiết khấu” trên hóa hơn là từ 22-25%.

Khó khăn chồng chất thêm khó khăn.

Việc mở cửa kinh doanh trở lại trong giai đoạn hoạt động xã hội “còn nhiều hạn chế” thì không dễ dàng với nhiều cửa hàng ăn uống. Với nguồn lực cạn kiệt về tài chính, các chủ quán còn đối mặt với khó khăn về nhân sự trong mùa dịch. Để xin được giấy đi đường cho nhân viên thì “cần nhiều nỗ lực” và chưa kể nhân viên có người đã về quê trước khi TP.HCM “đóng cửa”, có người thuộc diện F0, F1, hay ở trong vùng đỏ …dẫn đến thiếu hụt nhân sự.

Việc giao thức ăn đến khách hàng trong giai đoạn này cũng mang đến “nhiều rủi ro” cho các quán ăn. Với lực lượng shipper hoạt động giới hạn, các quán ăn không có nhiều lựa chọn để cung cấp dịch vụ giao thức ăn tốt nhất cho khách hàng. Rủi ro về chất lượng sản phẩm thức ăn giao đi, thời gian giao nhận thức ăn, giảm giá trị trải nghiệm dịch vụ của khách hàng là những điều các chủ quán ăn, nhà hàng nên cân nhắc. Chưa kể dịch bệnh vẫn đang tồn tại, và các chủ quán với nhân viên đều đối mặt với rủi ro bị nhiễm bệnh.

Vì nhiều khó khăn và hạn chế xuất hiện, giá thành thức ăn khi đến tay khách hàng có thể “đội giá” lên cao hơn nhiều lần so với bình thường. Việc tăng giá này dù là khách quan, nhưng rất dễ làm khách hàng đánh giá không tốt thương hiệu. Giai đoạn này cũng là cơ hội để các đối thủ cạnh tranh chen chân thay thế cung cấp dịch vụ với giá thấp hơn. Để giữ khách hàng, có thể cửa hàng sẽ phải gánh thêm một khoảng chi phí để giữ giá bán ở mức cạnh tranh. Nếu kiểm soát không tốt, một khoản lỗ lớn sẽ xuất hiện.

Để mở bán quán ăn trở lại cần cân nhắc cẩn trọng.

Các quán ăn nên cân nhắc các “nguồn lực” của mình một cách cẩn thận. Tất nhiên trong “rủi ro luôn có cơ hội”, các chủ quán cần xác định rõ ràng mục đích của mình khi tham gia thị trường kinh doanh ẩm thực trở lại. Nếu vẫn chưa chắc chắn về mức độ “lỗ – lãi”, thì lời khuyên của chuyên gia là các quán cần chuẩn bị nhưng nên chậm lại để quan sát thị trường thêm một thời gian. Thị trường cần nhiều “tín hiệu” lạc quan hơn, thì việc kinh doanh ẩm thực mới thực sự có hiệu quả cho người làm kinh doanh.

Ricky Trần.

Exit mobile version