Tag

Dịch covid

Browsing

Đã gần 2 năm Covid xuất hiện “tàn phá” trên mọi mặt của kinh tế và đời sống. Riêng đối với ngành F&B, sự tàn phá này có thể ví như “cơn sóng thần” chưa từng có. Nó đã cuốn phăng mọi hi vọng, nỗ lực, ước mơ của rất nhiều người kinh doanh ẩm thực. “Cơn sóng thần Covid” cũng phá huỷ hàng loạt kế hoạch tăng trưởng, mở mới, duy trì của rất nhiều quán cafe, nhà hàng và cả các doanh nghiệp làm dịch vụ phụ trợ cho ngành ẩm thực.

Cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ đối với ngành kinh doanh ẩm thực ở Việt Nam.

Chưa bao giờ, cộng đồng kinh doanh ẩm thực ở Việt Nam phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu rộng và toàn diện như hiện tại. Nếu trong một vài đợt khủng hoảng ở quá khứ, ngành kinh doanh ẩm thực phải vượt qua các khó khăn đến từ thị trường, thị hiếu khách hàng thay đổi, cạnh tranh gay gắt từ thương hiệu nước ngoài, việc “lạm phát” quán cafe và cửa hàng ăn uống nhỏ lẻ, thì các chủ doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm “đối sách” để vượt qua. Có thể ví von, “hễ còn bán được” thì chủ quán cafe, nhà hàng vẫn còn tìm cách để “sống sót” được. Nhưng với “dịch bệnh covid”, thị trường kinh doanh ẩm thực bị đóng băng gần như toàn bộ, khi “không được phép kinh doanh”, thì không có một cách nào khả dĩ để có thể vượt qua khủng hoảng.

Rất nhiều quán cafe, nhà hàng đã phá sản. Một số ít quán khác đang “đóng băng” với vốn dự phòng gần cạn kiệt, nguồn vốn vay mượn, công nợ với đối tác, nợ chi phí vận hành và thậm chí là nợ lương nhân viên. Nếu tình trạng “đóng băng” kéo dài hơn, thì rất có thể những quán cafe, nhà hàng này cũng phải đến kết cục “phá sản”. Và khi dịch bệnh kéo dài, làm cạn kiệt nguồn lực của cả xã hội, kéo theo việc “siết” chi tiêu của nhiều người, thì thị trường kinh doanh ẩm thực càng “u ám” hơn.

“Cái khốn khó” xuất hiện đến với tất cả mọi ngóc ngách của hệ sinh thái kinh doanh ẩm thực, từ mặt bằng, nhân sự, nhà cung cấp, đối tác dịch vụ, tài chính, vận chuyển, cả giấy phép hoạt động. Khi một “tình trạng bất bình thường” được áp dụng quá lâu, hầu như cả hệ sinh thái kinh doanh ẩm thực không còn “sức” để “tương trợ” lẫn nhau nữa. Việc sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh ẩm thực rất có thể xảy ra nếu “cuộc khủng hoảng” này không được ngăn chặn và kiểm soát nhanh chóng.

Kinh doanh ẩm thực là một bức tranh phong phú, không thể chỉ xem “delivery” làm hướng phát triển chính.

Chúng ta có thể nghe nói nhiều về các khuyến khích cho nhà hàng quán cafe là áp dụng “food delivery”, “bán thức ăn mang đi” từ đầu mùa dịch và đến nay là gần 2 năm. Nhưng liệu cách thức “bán mang đi” có thực sự là giải pháp “căn cơ” cho cả ngành ẩm thực trong mùa dịch?

Ngành kinh doanh ẩm thực rất đa dạng và phong phú. Phần lớn giá trị của ngành ẩm thực lại đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ trải nghiệm ẩm thực tại chỗ của nhà hàng, quán cafe, quán bar, quán nhậu … Và các hoạt động này thì hầu như không thể “giao đi” được. Chúng ta có thể thấy việc “rộ lên” các hoạt động “food and drink delivery” trong vòng 2 năm trở lại đây, với sự tham gia rất tích cực của các tập đoàn cung cấp dịch vụ giao hàng của nước ngoài. Nhưng đó chưa bao giờ là bức tranh chính của toàn bộ ngành kinh doanh ẩm thực.

Thêm nữa, chi phí “chiết khấu” cho các công ty cung cấp dịch vụ giao thức ăn và nước uống từ 22%-25% trên mỗi đơn hàng là chi phí “quá cao”. Và còn nhiều ảnh hưởng khác về thương hiệu, trải nghiệm sản phẩm, chất lượng thức ăn nước uống khi giao đi, thậm chí là mất dữ liệu khách hàng là những rủi ro quá cao đối với các quán cafe, nhà hàng khi muốn chuyển đổi từ kinh doanh phục vụ tại chỗ sang kinh doanh qua các công ty giao nhận thức ăn. Chi phí vận hành đội ngũ bếp và pha chế của các quán cafe, nhà hàng với mô hình phục vụ tại chỗ cũng cao gấp nhiều so với các quán bán thức ăn giao đi. Nhiều so sánh về vận hành, chi phí, doanh thu để cho thấy nhiều nhà hàng, quán cafe phục vụ tại chỗ rất khó để xem “food delivery” là hoạt động chính của mình.

Thị trường kinh doanh ẩm thực không phải chỉ có thức ăn nhanh, thức ăn đóng gói chế biến sẵn, thức ăn cơ bản đơn giản để giao đi. Nếu nhiều nhà hàng, quán cafe phục vụ tại chỗ phải “biến mất”, đó là một sự mất mát lớn của thị trường và ảnh hưởng đến sự hồi phục trong tương lai, cũng như hàng ngàn việc làm của các nhân sự trong ngành ẩm thực có chuyên môn cao.

Vẫn có những thương hiệu lớn chuyển hướng bán thức ăn giao đi.

Sự “sáng tạo” vô bờ bến là điều tuyệt vời của các doanh nhân. Và riêng trong ngành ẩm thực, cuộc “khủng hoảng covid” đã cho thấy khả năng xoay sở của chủ doanh nghiệp trước khó khăn. Một vài thương hiệu chuyển hướng sang bán “thức ăn giao đi”, “bán nguyên liệu chế biến thực phẩm”,”bán thức ăn đóng gói sẵn”. Nhưng chỉ một vài thương hiệu thực hiện việc đó, không phải là đa số, và cần có sự chuẩn bị.

Các thương hiệu kinh doanh ẩm thực lớn có hoạt động bán thực phẩm, thức ăn, nướng uống giao đi trong mùa dịch hầu như là những thương hiệu đã xem xét phát triển “food delivery” là một phần trong cơ cấu doanh thu của họ. Các thương hiệu này đã có sự “đầu tư” cho một mảng kinh doanh “cộng thêm” của họ. Và khi nói đến “đầu tư”, chúng ta hiểu rằng cần có nguồn lực và thời gian để hoàn vốn và sinh lời. Với các quán cafe, nhà hàng đang gặp khó khăn trong mùa dịch, thì việc đầu tư “một mảng mới” hầu như là không thể. Thậm chí phí vận hành một mô hình kinh doanh không phải là thế mạnh, thì khoảng lỗ lớn trong ngắn hạn sẽ tạo thêm áp lực cho chính chủ doanh nghiệp.

Nếu “food and drink delivery” không phải là giá trị lõi mà quán cafe, nhà hàng cung cấp, thì đổ nguồn lực vào hoạt động này sẽ là rủi ro cao. Và bài toán chi phí – lợi nhuận – vận hành khi thực hiện “mô hình giao đi” phải được cân đo đong đếm rất cẩn thận để bảo đảm hoạt động này đủ để mang lại “chi phí duy trì” cho doanh nghiệp của mình. Đừng “băm nát lá đã rách” khi bạn thiếu sự chuẩn bị cho nó.

(Còn tiếp)

Ricky Trần.

Tối muộn ngày 8/9/2021, UBND TP.HCM thông báo các cửa hàng ăn uống có đăng kí kinh doanh (hộ kinh doanh) được “thí điểm” hoạt động bán mang về. Nhưng sự háo hức của các chủ quán không kéo dài, khi hàng loạt quy định phòng dịch được đưa ra đê một cửa hàng ăn có thể hoạt động trở lại: thực hiện “3 tại chỗ”, nhân viên đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin, chỉ giao hàng qua “shipper công nghệ”, xét nghiệm covid-19 trong vòng 2 ngày/lần, phải thông báo với quận/huyện để xin giấy đi đường cho nhân viên …

Chi phí tăng cao khi hoạt động trở lại.

Nhiều chủ quán ăn dù muốn mở cửa để hoạt động kinh doanh trở lại, cũng đang phải cân nhắc với bài toán chi phí “đội lên” quá cao. Các chi phí dành cho nhân viên để hoạt động trở lại trong giai đoạn này tăng lên gấp 3-4 lần khi phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu phòng dịch bệnh.

Bên cạnh đó nguồn nguyên liệu ẩm thực cũng đang tăng giá trên toàn thị trường 30-40%, và không dễ dàng để có được đầy đủ nguyên liệu. Chi phí vận chuyển thức ăn đã chế biến đến khách hàng cũng tăng rất cao.

Chi phí cho bao bì đóng gói, và vận chuyển bao bì đóng gói sản phẩm cũng mang đến một nỗi lo lớn cho các chủ quán. Các quán ăn chỉ được giao hàng qua “shipper công nghệ” thì còn phải “gánh chi phí chiết khấu” trên hóa hơn là từ 22-25%.

Khó khăn chồng chất thêm khó khăn.

Việc mở cửa kinh doanh trở lại trong giai đoạn hoạt động xã hội “còn nhiều hạn chế” thì không dễ dàng với nhiều cửa hàng ăn uống. Với nguồn lực cạn kiệt về tài chính, các chủ quán còn đối mặt với khó khăn về nhân sự trong mùa dịch. Để xin được giấy đi đường cho nhân viên thì “cần nhiều nỗ lực” và chưa kể nhân viên có người đã về quê trước khi TP.HCM “đóng cửa”, có người thuộc diện F0, F1, hay ở trong vùng đỏ …dẫn đến thiếu hụt nhân sự.

Việc giao thức ăn đến khách hàng trong giai đoạn này cũng mang đến “nhiều rủi ro” cho các quán ăn. Với lực lượng shipper hoạt động giới hạn, các quán ăn không có nhiều lựa chọn để cung cấp dịch vụ giao thức ăn tốt nhất cho khách hàng. Rủi ro về chất lượng sản phẩm thức ăn giao đi, thời gian giao nhận thức ăn, giảm giá trị trải nghiệm dịch vụ của khách hàng là những điều các chủ quán ăn, nhà hàng nên cân nhắc. Chưa kể dịch bệnh vẫn đang tồn tại, và các chủ quán với nhân viên đều đối mặt với rủi ro bị nhiễm bệnh.

Vì nhiều khó khăn và hạn chế xuất hiện, giá thành thức ăn khi đến tay khách hàng có thể “đội giá” lên cao hơn nhiều lần so với bình thường. Việc tăng giá này dù là khách quan, nhưng rất dễ làm khách hàng đánh giá không tốt thương hiệu. Giai đoạn này cũng là cơ hội để các đối thủ cạnh tranh chen chân thay thế cung cấp dịch vụ với giá thấp hơn. Để giữ khách hàng, có thể cửa hàng sẽ phải gánh thêm một khoảng chi phí để giữ giá bán ở mức cạnh tranh. Nếu kiểm soát không tốt, một khoản lỗ lớn sẽ xuất hiện.

Để mở bán quán ăn trở lại cần cân nhắc cẩn trọng.

Các quán ăn nên cân nhắc các “nguồn lực” của mình một cách cẩn thận. Tất nhiên trong “rủi ro luôn có cơ hội”, các chủ quán cần xác định rõ ràng mục đích của mình khi tham gia thị trường kinh doanh ẩm thực trở lại. Nếu vẫn chưa chắc chắn về mức độ “lỗ – lãi”, thì lời khuyên của chuyên gia là các quán cần chuẩn bị nhưng nên chậm lại để quan sát thị trường thêm một thời gian. Thị trường cần nhiều “tín hiệu” lạc quan hơn, thì việc kinh doanh ẩm thực mới thực sự có hiệu quả cho người làm kinh doanh.

Ricky Trần.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản thông báo về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cụ thể, tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giấy đi đường của Công an TP.HCM đã cấp trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến hết ngày 15.9. Trong trường hợp có nhu cầu cấp đổi giấy đi đường, các đơn vị chủ trì, quản lý đối tượng cấp giấy đi đường theo Công văn 2800 ngày 21.8 của UBND TP.HCM chịu trách nhiệm thu hồi giấy cũ; tổng hợp, cập nhật danh sách mới gửi Công an TP.HCM để được cấp đổi.

TP.HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP.Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

Đáng chú ý, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Các cơ sở nêu trên phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện và TP.Thủ Đức để được cấp giấy đi đường theo Công văn 2800 ngày 21.8 của UBND TP.HCM. Điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra, giám sát UBND các phường, xã, thị trấn trong việc xác nhận các trường hợp đủ điều kiện được phép hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao Chủ tịch UBND Q.7 và H.Củ Chi căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/lần; báo cáo UBND TP.HCM trước ngày 11.9.

TP.HCM cũng cho phép mở 2 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng cho thành phố.

(Theo Thanhnien.vn)